Chia sẻ 5 kỹ thuật thu âm Stereo



Kỹ thuật thu âm Stereo thường được thực hiện với từ 2 microphone trở lên. Sau đây là sưu tầm của phòng thu âm Sonar Studio về5 kỹ thuật thu âm Stereo để nhằm chia sẻ cho các kỹ thuật viên cũng như tất cả mọi người đam mê thu âm chuyên nghiệp hiểu hơn về thu âm Stereo

Kỹ thuật X-Y

Kỹ thuật X-Y rất dễ thực hiện và cho âm hình tương đối tốt, tương thích mono tốt. Bạn chỉ cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  • 2 chiếc microphone giống nhau (cùng model, cùng nhà sản xuất), cùng polar pattern (thường là cardioid)
  • Đặt chéo nhau một góc từ 90-135 độ tùy theo độ lớn của nguồn phát (cả dàn nhạc hay drums kit, piano…) hoặc thẩm mỹ. Thiết lập phổ biến nhất là 90 độ. Góc mic này rất hay gặp trong các microphone stereo bán sẵn trên thị trường (ví dụ Audio Technica AT2022).
  • 2 đầu mic đặt gần nhau nhất có thể. Khoảng cách tối đa là 12 inch (~ 30.5 cm). Thiết lập phổ biến và an toàn nhất là 2 đầu mic gần chạm nhau như hình.

Stereo-Miking-X-Y-Technique (1)

Kỹ thuật Thu âm Stereo X-Y

Khi thu xong, bạn có thể pan 2 tín hiệu tùy ý để có được âm thanh, độ rộng như ý. Khả năng tương thích Mono của X-Y có thể thay đổi từ khá tốt đến xuất sắc tùy vào khoảng cách giữa 2 đầu mic capsule .

Kỹ thuật Mid-Side Stereo (M-S)

Tương tự như X-Y, đây là kỹ thuật dễ thiết lập. Theo cảm nhận cá nhân của tôi, âm thanh stereo khi sử dụng kỹ thuật M/S rất tự nhiên, không gian rộng hơn XY và tương thích mono tốt. Rất nhiều album nhạc cụ cổ điển độc tấu (đặc biệt là guitar) đã được thu bằng phương pháp này. Tôi cũng có dịp thử nghiệm một vài lần khi thu guitar cổ điển và rất ưng ý với kết quả thu được.

Stereo-Miking-Mid-Side-Technique

Kỹ thuật Thu âm Stereo Mid-Side

Yêu cầu kỹ thuật của Mid-Side có hơi phức tạp hơn XY 1 xíu. Bạn sẽ cần 2 microphone với đặc tính âm thanh khác nhau.

  • Mic A: 01 mic cardioid hoặc omni hướng về nguồn phát, bắt âm thanh trực tiếp. Thường thì người ta sử dụng Cardioid nhưng trong album “El Diablo Suelto” của John Williams, kỹ sư âm thanh sử dụng mic Omni. Tôi cũng đã thử cả 2 phương án và rất thích lựa chọn thứ 2.
  • Mic B: 01 mic Figure-8 (bi-directional mic) hướng về 2 bên trái, phải của Mic A để bắt âm thanh gián tiếp. Mic B đặt ngay dưới hoặc trên Mic A.

Tín hiệu thu được từ Mic A có thể pan vào giữa (Center). Tín hiệu thu từ Mic B được duplicate (hoặc copy) sang một kênh tín hiệu thứ 2. Hai kênh tín hiệu do Mic B tạo thành được pan trái, phải và 1 bên được đảo cực (invert polarity).

Nếu bạn muốn giảm độ rộng của âm hình, hạ cường độ tín hiệu của 2 kênh Mic B xuống. Nếu bạn muốn tăng độ rộng? Hãy làm ngược lại. Rất đơn giản phải không.

Âm thanh thu được khi sử dụng kỹ thuật M-S tương thích mono tuyệt đối! Lý do rất đơn giản. Vì 1 trong 2 kênh tín hiệu của Mic B là phiên bản đảo cực của kênh còn lại, do đó khi về mono, 2 kênh này tự triệt tiêu lẫn nhau. Kết quả bạn sẽ nghe thấy âm thanh chỉ phát từ Mic A mà không gặp bất cứ hệ quả của comb-filtering nào.

Kỹ thuật Blumlein

Gần giống như X-Y, kỹ thuật Blumlein dễ thiết lập, cho âm thanh rất tự nhiên, tương thích mono tốt và rất được yêu thích khi thu piano, drums room, ambience.

Thu-am-stereo-Blumlein

Kỹ thuật Thu âm Stereo Blumlein

Thiết lập Blumlein:

  • Sử dụng 02 microphone giống nhau (cùng model, cùng nhà sản xuất) với polar pattern Figure-8 (bi-directional mic)
  • Đặt 2 mic tạo thành 1 góc 90 độ, 2 mic capsule sát nhau nhất có thể

Tín hiệu thu được từ 2 mic có thể pan trái phải với độ rộng tùy ý để có âm thanh tốt, phù hợp nhất.

Kỹ thuật Spaced Pair (A/B)

Đây là kỹ thuật được sử dụng rất phổ biến vì sự linh hoạt, âm hình rộng tuy nhiên lại không thân thiện lắm với người mới tập thu stereo vì dễ gặp vấn đề về combfiltering và khả năng tương thích mono không cao bằng X-Y, M-S.

Thu-am-stereo-Spaced-Pair

Kỹ thuật Thu âm Stereo Spaced Pair

Để thiết lập Spaced Pair, chúng ta cần:

  • 02 microphone cùng model và polar pattern (cardioid hoặc omni)
  • 02 mic này đặt cách nhau từ 90 – 300 cm. Tín hiệu thu được pan trái và phải. Độ rộng khi pan có thể quyết định tùy ý bởi kỹ sư âm thanh

Kỹ thuật Spaced Pair thường được áp dụng khi thu dàn nhạc (giao hưởng, hợp xướng…) hoặc nhạc cụ có kích thước lớn như drums, piano… Tùy vào độ lớn thực tế của nguồn phát mà bạn có thể thay đổi khoảng cách giữa 2 mic cho phù hợp.

Như đã nói ở trên, Spaced Pair dễ gặp vấn đề về phase hơn các kỹ thuật trước đó. Lý do chính nằm ở khoảng cách giữa 2 mic lớn hơn, do đó thời gian đi từ nguồn phát tới 2 mic có thể có độ chênh lệch lớn hơn. Ví dụ khi chúng ta thu drums overheads, drummer đánh vào HiHat, chiếc mic nào gần HiHat (mic A) sẽ thu được âm thanh trước chiếc còn lại (mic B). Tuy nhiên, khi drummer đánh vào lá Ride, chiếc mic gần đó (mic B) lại bắt tín hiệu trước mic gần HiHat (mic A). Khi gộp tín hiệu về mono, chính những sự chênh lệch về thời gian như vậy sẽ làm tương tác về phase của 2 nguồn tín hiệu trở nên phức tạp, khó có thể tạo ra kết quả ổn định, nhất quán khi drummer chơi.

Bởi vậy, một thói quen cần có khi tập thu stereo là nghe kiểm tra trên mono liên tục để đảm bảo vị trí thiết lập của chúng ta hạn chế được nhiều nhất có thể vấn đề về phase.

Kỹ thuật ORTF

Đây là kỹ thuật cho âm thanh tự nhiên, âm hình tốt. Khả năng tương thích mono tốt hơn Spaced Pair nhưng kém hơn X-Y, M-S, Blumlein. Việc thiết lập không quá khó nhưng lại đòi hỏi chính xác:

  • Sử dụng 02 microphone Cardioid cùng model, cùng nhà sản xuất
  • 02 mic tạo thành một góc 110 độ
  • 02 mic capsule cách nhau 17cm

thu-am-stereo-ortf

 Kỹ thuật Thu âm Stereo ORTF

Kỹ thuật này được sử dụng rất nhiều khi thu drums room và ambience vì âm thanh ấm áp, tự nhiên. Tại sao khả năng tương thích mono lại kém hơn X-Y, M-S, Blumlein? Lý do rất đơn giản: khoảng cách giữa 2 mic capsule lớn hơn (17cm).

Có thể nói về độ rộng của âm hình, ORTF nằm giữa nhóm X-Y, M-S và Spaced Pair.

Khi nào thì bạn cần thu stereo?

Câu trả lời rất đơn giản: khi âm hình, không gian, sự sống động, sự bố trí của nhạc cụ/nguồn phát là thứ quan trọng hơn sự ổn định của âm thanh.

Thu âm stereo sẽ giúp bạn hình dung rõ bộ trống được bố trí trong một căn phòng to nhỏ ra sao. Khi drummer chơi, bạn sẽ cảm nhận rõ được vị trí của từng mảnh trống. Nhờ đó, sự phấn khích, cảm xúc cũng được cải thiện rõ rệt.

Với piano, bạn có thể cảm nhận được âm thanh sống động như đang ngồi cạnh pianist vì khi các nốt trầm vang lên, chúng nghe có vẻ như được phát ra từ bên trái và ngược lại với các nốt cao. Bạn sẽ có cảm giác các nốt nhạc đang nhảy múa từ trái sang phải, phải sang trái trong sân khấu ảo do âm thanh stereo tạo ra.

Tuy nhiên, thu âm stereo cũng có những nhược điểm riêng của nó. Một trong các nhược điểm lớn nhất là sự ổn định về phase, âm hình, tần số đáp ứng của bản thu do lúc này chúng ta có nhiều hơn 1 microphone cùng thu 1 nguồn phát giống nhau.

Nếu kỹ thuật thu stereo không tốt, bạn có thể sẽ gặp những rắc rối như:

  • Bass yếu
  • Âm thanh nghe mỏng, rỗng và thiếu chiều sâu
  • Âm hình bị loãng
  • Sự cân bằng giữa các nguồn phát, âm sắc bị thay đổi rõ rệt khi phát ở mono
  • Nhạc cụ/nguồn phát bị chìm và khó nổi lên trong bản mix
  • Độ ổn định về vị trí nhạc cụ rất kém trong bản mix

Những hiện tượng này dễ dàng nhận thấy nhất khi gộp tín hiệu về mono hoặc pan các mic thu stereo quá gần nhau. Bạn có thể để ý thấy vị trí của nguồn phát cũng không thực sự ổn định, neo chặt tại một điểm trong âm trường như khi thu mono.

nguồn : http://www.tapchimix.com