Vipassana – nghĩa là thấy sự việc đúng như thật – là một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn độ –  Đức Phật Thích Ca đã thực hành và giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại – một Nghệ Thuật Sống – một phương pháp thanh lọc TÂM và THÂN. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát.

“Bản thân chúng ta luôn tìm kiếm sự an vui và hòa hợp bởi vì đây là điều chúng ta thiếu trong cuộc sống. Đôi khi chúng ta cảm thấy bất an, bực bội, không yên. Và khi bị những nỗi khổ này hành hạ, chúng ta không giữ riêng cho mình mà thường trút sang người khác. Sự buồn phiền nhiễm vào bầu không khí xung quanh những người đang bị đau khổ. Những ai tiếp xúc với những người này đều bị ảnh hưởng lây. Chắc chắn đây không phải là cách sống khôn khéo.

Chúng ta nên sống an vui với chính mình và an vui với người khác. Tóm lại, con người là những sinh vật sống hợp quần, tạo thành xã hội và phải giao tiếp với nhau. Nhưng làm sao chúng ta có thể sống một cách an vui được? Làm sao chúng ta có thể duy trì được sự hòa hợp nội tâm, duy trì được sự an vui và hòa hợp xung quanh chúng ta để người khác cũng được sống an vui và hòa hợp?

Để thoát khỏi khổ đau, chúng ta phải biết nguyên nhân căn bản, nguồn gốc của khổ đau. Nếu chúng ta tìm hiểu vấn đề này, nó trở nên rõ ràng rằng, mỗi khi trong tâm có những phiền não, bất tịnh, chúng ta trở nên không vui. Phiền não trong tâm, một sự ô nhiễm tinh thần, một sự bất tịnh, không thể tồn tại chung với sự an vui và hòa hợp được.

Chúng ta khởi sự tạo ra phiền não bằng cách nào? Một lần nữa, nếu tìm hiểu chúng ta sẽ thấy rõ. Chúng ta trở nên không vui khi thấy ai đó hành xử theo lối chúng ta không ưa, hoặc khi chúng ta thấy những gì xảy ra mà ta không thích. Mỗi khi những điều trái ý xảy ra chúng ta tạo ra sự căng thẳng trong tâm mình. Khi những cái chúng ta muốn mà không đạt được vì vài trở ngại nào đó ta sẽ trở nên căng thẳng và tạo ra những nút thắt trong lòng. Và trong suốt cuộc đời, những điều không như ý liên tục diễn ra, những điều chúng ta muốn có thể hoặc không thể đạt được, những lối phản ứng bằng cách tạo ra những nút thắt – loại nút thắt hầu như không thể tháo gỡ được – làm cho toàn bộ tinh thần và thể xác căng thẳng, đầy phiền não khiến cho cuộc sống trở nên khổ sở.

Tại Ấn Độ cũng như tại các nước khác, những thánh nhân trong quá khứ đã nghiên cứu vấn đề này – vấn đề TÂM ngay trong chính mình họ đã nhận ra rằng: tránh né không giải quyết được gì cả, quý vị phải nhìn thẳng vào vào vấn đề. Khi nào phiền não nổi lên trong tâm, cứ quan sát nó, đối diện với nó. Ngay sau khi quý vị khởi sự quan sát, phiền não sẽ giảm cường độ và từ từ biến mất.

Giải pháp này rất tốt vì tránh được những cực đoan, không đè nén cũng không biểu lộ. Vùi sâu phiền não vào trong vô thức sẽ không loại trừ được nó, còn để nó biểu lộ bằng những việc làm hoặc lời nói bất thiện thì chỉ tạo thêm rắc rối. Nhưng nếu quý vị chỉ quan sát thì phiền não sẽ mất đi, và quý vị sẽ loại trừ được nó.

Điều này nghe rất hay, nhưng trên thực tế có thực hiện được không? Đối phó với cái xấu của chính mình không phải là dễ dàng. Khi cơn giận dữ nổi lên, nó chế ngự chúng ta nhanh đến nổi chúng ta không thể nhận ra nó được. Rồi mù quáng vì giận dữ, chúng ta có những hành động và lời nói làm hại chính mình và người khác. Sau đó, khi đã nguôi giận, chúng ta khóc lóc, hối hận, cầu xin sự tha thứ từ người này, người nọ, hoặc từ các vị thần linh: “Ôi, con đã phạm lỗi, xin tha thứ cho con”. Nhưng rồi lần tới, chúng ta lại rơi vào tình trạng tương tự và cũng hành xử y như thế. Liên tục hối lỗi kiểu này không mang lại ích lợi gì cả.

Điều khó là chúng ta không biết khi nào phiền não bắt đầu. Nó khởi lên từ sâu thẳm trong tâm vô thức và khi đã nổi lên đến tầng nhận thức thì nó đã có đủ sức mạnh để chế ngự chúng ta khiến chúng ta không thể quan sát nó được.

Một bậc giác ngộ đã tìm ra một giải pháp thiết thực, đó chính là THIỀN VINPASSANA. Vị đó khám phá ra rằng khi nào phiền não nảy sinh trong tâm, về sinh lý có hai hiện tượng xảy ra cùng một lúc: một là hơi thở mất nhịp điệu bình thường. Chúng ta bắt đầu thở mạnh hơn khi phiền não nảy sinh trong tâm. Điều này rất dễ quan sát. Ở mức độ tinh vi hơn, các phản ứng sinh hóa bắt đầu xảy ra trong cơ thể và tạo ra những cảm giác. Mọi phiền não đều tạo ra cảm giác này hay cảm giác khác trong cơ thể.

Điều này đưa đến một giải pháp thiết thực. Một người bình thường không thể quan sát được những phiền não trừu tượng trong tâm như sợ hãi, giận dữ, si mê. Nhưng với sự hướng dẫn và tập luyện đúng cách thì rất dễ quan sát sự hô hấp và cảm giác trên cơ thể, cả hai đều liên quan trực tiếp đến những phiền não trong tâm.

Hơi thở và cảm giác sẽ giúp ta theo hai cách. Thứ nhất, ngay khi phiền não nổi lên trong tâm, hơi thở sẽ mất nhịp bình thường. Nó sẽ báo động: “Xem kìa, có cái gì không ổn”. Vì chúng ta không thể la mắng hơi thở, chúng ta phải chấp nhận sự cảnh cáo của nó. Tương tự, cảm giác sẽ cho chúng ta biết có điều gì không ổn. Khi được cảnh giác, chúng ta có thể bắt đầu quan sát sự hô hấp, bắt đầu quan sát cảm giác, và rất nhanh chóng chúng ta nhận thấy sự phiền não mất đi.

Hiện tượng tâm và thân này giống như hai mặt của một đồng xu. Một mặt là ý nghĩ và cảm xúc hiện ra trong tâm, mặt kia là hơi thở và cảm giác trên thân. Bất cứ ý tưởng, xúc động nào, bất cứ phiền não nào nảy sinh trong tâm đều biểu hiện bằng hơi thở và cảm giác ngay lúc đó. Do đó, bằng cách quan sát sự hô hấp hoặc cảm giác, chúng ta thực sự quan sát phiền não trong tâm. Thay vì tránh né vấn đề, chúng ta phải đối diện với thực tại đúng như nó đang hiện hữu. Kết quả cho thấy rằng, phiền não mất đi sức mạnh, chúng không còn trấn áp được ta như trong quá khứ. Nếu ta kiên trì, chúng sẽ hoàn toàn biến mất và ta bắt đầu có được cuộc sống an vui, một cuộc sống ngày càng ít phiền não.

Bằng cách này, phương pháp tự quan sát cho chúng ta thấy thực tại ở hai phương diện: nội tâm và ngoại tâm. Trước đây, chúng ta chỉ nhìn bên ngoài mà quên đi sự thật bên trong. Chúng ta luôn luôn tìm kiếm bên ngoài về nguyên nhân của những bất hạnh. Chúng ta luôn luôn đổ lỗi và cố thay đổi thực tại bên ngoài. Vô minh về thực tại bên trong, chúng ta không bao giờ hiểu rằng nguồn gốc của sự đau khổ nằm trong ta, nằm ngay trong những phản ứng mù quáng đối với những cảm giác dễ chịu hoặc khó chịu.

Bây giờ, với sự tập luyện, chúng ta có thể thấy được mặt kia của đồng xu. Chúng ta có thể ý thức về hơi thở của mình, cũng như những gì đang xảy ra trong thân. Dù là hơi thở hay cảm giác, chúng ta chỉ quan sát chúng mà không đánh mất sự bình tâm. Chúng ta ngừng phản ứng, ngừng gia tăng sự đau khổ của mình. Trái lại, chúng ta để cho phiền não biểu lộ rồi mất đi.

Càng thực tập phương pháp này, những phiền não càng ngày càng tan biến nhanh chóng hơn. Dần dần tâm ta không còn những bất tịnh và trở nên trong sạch. Một tâm thanh tịnh lúc nào cũng tràn đầy tình thương – một tình thương không vị kỷ đối với mọi người, đầy lòng từ bi trước những đau khổ và thất bại của người khác, vui mừng vì sự thành công và an vui của người khác, và luôn bình tâm trong mọi hoàn cảnh.

Khi đạt được trình độ này, mọi thói quen trong đời ta đều thay đổi. Ta không thể nào có những lời nói hoặc hành động phá rối sự an vui và hạnh phúc của người khác. Trái lại, một tâm quân bình không những chỉ trở nên an vui mà bầu không khí chung quanh cũng tràn ngập sự an vui và hòa hợp. Điều này sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến người khác và cũng giúp ích cho họ.

Vipassana là một phương thuốc như thế. Không ai phản đối lối sống tôn trọng sự an vui và hòa hợp của người khác. Không ai phản đối việc làm chủ được tâm. Không ai phản đối sự phát triển tuệ giác nơi chính bản thân mình để có thể giải thoát tâm khỏi những phiền não. Vipassana là con đường chung cho mọi người”.

Bài viết này dựa trên bài nói chuyện trước công chúng của Thiền Sư Goenka tại Bern, Thụy Sĩ, vào năm 1980. (Đã giản lược một vài đoạn)

 

  • Các bạn có thể ghi tên học ở bất kỳ trung tâm nào, những lời chỉ dẫn và thời khóa biểu tại các nơi đều giống nhau:

– Truy cập https://www.dhamma.org/vi/locations/directory#US để xem địa điểm của các trung tâm tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới.

– Hoặc tham khảo tại – http://www.phapdangthientue.com/


.
.
.
.