Những kiến thức về các dòng loa Yamaha NS-10M huyền thoại



Dòng loa kiểm âm Yamaha NS10 được thiết kế bởi Akira Nakamura và phiên bản đầu tiên ra mắt vào năm 1978. Vào thời điểm đó, Yamaha cũng đang sản xuất chiếc NS1000 rất đặc biệt và nổi tiếng (cũng do Nakamura thiết kế). Loa có một củ loa trung tầm và một loa tép với những kỹ thuật sản xuất tiên tiến thời đó mà cho đến bây giờ nó vẫn còn giá trị.

Mẫu NS-10M đầu tiên được phát hành, dành cho mục đích sử dụng nghe nhạc hi-fi gia đình. Sau đó, nó bắt đầu được sử dụng làm loa kiểm âm tầm gầm trong phòng thu ở Nhật Bản, và sau đó nổi tiếng ở những nước khác, đặc biệt từ sau khi được Bob Clearmoutain sử dụng. Những tên tuổi lớn đã sử dụng loa này có thể kể đến như: Bob ClearmountainChris & Tom Lord-AlgeNigel JopsonRhett DaviesBill SchenimanGrag LadanyiAndy Wallace.

Trong khoảng hai mươi năm, đã có 6 mẫu loa kiểm thính tầm gần rất nổi tiếng của Yamaha. Sáu phiên bản này ra đời theo ba giai đoạn. Mỗi mẫu mới ra đời thì Yamaha thừa kế và cải tiến một chút:

Giai đoạn 1: Năm 1978, Yamaha ra mẫu NS-10M đầu tiên, là nguyên bản mà chúng ta đã biết và phổ biến nhất. Loa được đặt thẳng đứng, có trung âm rõ ràng và rất hay khi nghe hát. Tần số cao có hơi chói một chút và âm trầm cũng không được sâu, chỉ xuống đến 85Hz. Tuy vậy, nó rất nổi tiếng và được nhiều người nghe và sưu tầm.

Giai đoạn 2: Sau đó 9 năm, vào năm 1987, Yamaha cải tiến và cho ra đời ba mẫu là NS-10M Pro, NS-10M Studio và NS-10MC. Ba mẫu này đã khắc phục một số điểm yếu của dòng NS-10M trước đó là sự thiếu hụt phầm bass, hơi chói ở phần cao…

Giai đoạn 3: Vào năm 1993, Yamaha tiếp tục cho ra đời mẫu loa NS-10MX với củ loa được bảo vệ từ tính (magnetically shielded drivers). Năm 1995, mẫu loa cuối cùng là NS-10MT được phát hành, với công suất tăng lên và có thêm một lỗ phản hồi âm trầm ở phía trước.

Năm 2001, Yamaha ngừng sản xuất dòng NS-10M, với lý do khó khăn trong việc sản xuất giấy cho củ loa trung trầm. Sau đó, năm 2006, Yamaha phát hành dòng loa tham chiếu MSP STUDIO được kỹ sư Nakamura thiết kế để tiếp nối những thành công của dòng NS-10M trước đó. Năm 2007, Yamaha giành giải Grammy về kỹ thuật cho sự ảnh hưởng của các sản phẩm thu âm của họ đối với ngành công nghiệp âm nhạc, đặc biệt là dòng NS-10M.

Tìm hiểu các dòng loa Yamaha NS-10M huyền thoại

1. Dòng YAMAHA NS-10M

Đây là mẫu loa nổi tiếng nhất của dòng NS10. Màng loa trung trầm được làm bằng một tấm giấy cuộn theo hình nón, màu trắng và dán lại với nhau. Đây là điểm đặc trưng về kỹ thuật của dòng loa này, khác với các mẫu màng loa được đúc liền.

YAMAHA NS-10M

Loa có thời gian đáp ứng rất nhanh (thời gian cần thiết để tạo ra âm thanh từ tín hiệu điện tử), do được hỗ trợ bởi màng loa trung trầm có trọng lượng nhẹ. Loa được thiết kế dạng hộp kín, có tầm trung âm chính xác, độ méo rất thấp. Vì có độ chính xác cao nên loa rất trung thực và mộc mạc. Các bản nhạc được mix trên đôi loa này cho âm thanh vang lên tốt trên nhiều loại loa tiêu dùng khác. Vì vậy, ta có thể dễ dàng thấy hầu như các phòng thu lớn đều sử dụng chúng, và chúng đã trở thành một tiêu chuẩn trong công nghiệp âm nhạc.

Tuy nổi tiếng như vậy, nhưng NS-10cũng có nhiều điểm yếu. Đó là dải tầm số cao nghe rất chói, điều này khiến một số kỹ sư vào năm 1980 đặt giấy ăn ở phía trước loa tép tweeter để giảm bớt độ sáng của loa. Tần số đáp ứng ở dải trầm bị thiếu hụt, đặc biệt khi công suất yếu và vị trí đặt loa không tốt. Hơn nữa, loa tép dễ bị cháy, đặc biệt khi nguồn điện không chuẩn. Tuy nhiên, một số người thấy rằng việc thiếu hụt dải trầm lại làm cho phần trung âm tốt hơn, rõ ràng hơn và dễ dàng chuyển tải bản mix đến nhiều hệ thống khác nhau.

Thông số:

  • Năm sản xuất: 1978
  • Loa Bass: 18cm woofer JA1801 (JA180100)
  • Loa tép: JA0518 lụa mềm (dom)
  • Phân tần: 2Khz (12dB/octave)
  • Tần số đáp ứng: Max 85Hz
  • Trở kháng: 8 Ohm
  • Công suất vào tối thiểu: 25W
  • Công suất đầu vào cực đại: 50W
  • Độ nhạy: 90 dB/m-W
  • Kích thước: 382mm(H) x 215mm(W) x 199mm(D)
  • Trọng lượng: 6Kg
  • Thùng loa: Màu đen, 10.4 liter, sealed.
  • Vị trí đặt loa: Dọc, thẳng đứng.

2. YAMAHA NS-10M PRO

Yamaha cuối cùng đã ngừng sản xuất dòng NS-10M và ra đời dòng NS-10M PRO cùng các dòng như NS-10M Studio và NS-10MC trong cùng năm 1987. Sau khi dòng NS-10M nổi tiếng và được dùng trong phòng thu, nó cũng bộc lộ nhiều điểm còn hạn chế. Vì vậy, các dòng loa mới ra này đều nhằm mục đích khắc phục những vấn đề nảy sinh của NS-10M trong quá trình sử dụng ở phòng thu.

YAMAHA NS-10M PRO

Tất cả ba dòng ra đời năm 1987 này đều có thông số kỹ thuật tương tự nhau. Chúng khác nhau chủ yếu về hướng và vị trí đặt loa. 

NS-10M PRO (hay còn gọi là NS-10M Professional, NS-10MP) có thiết kế ngoại hình giống như dòng NS-10M, nó được đặt đứng theo chiều dọc và có nắp e-căng phía trước có thể tháo rời (màu đen hoặc xám). So với NS-10M thì nhãn tên logo bênh cạnh có ghi rõ là NS-10M PRO. Màng lưới sắt bảo vệ loa tép nhô lên cao hơn và vuông cạnh. Phía sau không có miếng giấy to dán thông số kỹ thuật in đen trắng.

Yamaha đã cải tiến các cọc cắm dây loa ở mặt sau, công suất đầu vào danh nghĩa tăng lên 50W (NS-10M ban đầu là 25W), tăng tín hiệu đầu vào tối đa lên 120W (so với trước là 60W). Các dòng loa mới này đều mở rộng phần dải trầm từ 85Hz xuống đến 60Hz.

Vấn đề dải tần cao bị chói của NS-10M đã được giải quyết bằng cách thiết kế lại loa tweeter để giảm tần số cao bị chói vốn là vấn đề quan tâm của các nhà sản xuất và những người làm phòng thu. 

Thông số:

  • Năm sản xuất: 1987
  • Loa Bass: 18cm woofer JA1801, JA1801A, XN542AA1.
  • Loa tép: JA0518A 3.5mm lụa mềm (dom)
  • Phân tần: 2Khz (12dB/octave)
  • Tần số đáp ứng: 60Hz đến 20Khz
  • Trở kháng: 9 Ohm
  • Công suất vào tối thiểu: 60W
  • Công suất đầu vào cực đại: 120W
  • Độ nhạy: 90 dB/m-W
  • Kích thước: 382mm(H) x 215mm(W) x 199mm(D)
  • Trọng lượng: 6Kg
  • Thùng loa: Màu đen, gỗ thật.
  • Vị trí đặt loa: Dọc, thẳng đứng.

3. YAMAHA NS-10M STUDIO 

Đây là dòng loa được thiết kế đặc biệt cho phòng thu. Cấu trúc của nó chắc chắn hơn vì sử dụng vật liệu tốt hơn. So với NS10M PRO hay NS-10MC thì không khác gì nhau ngoài trừ chúng được thiết để để đặt nằm ngang. Nhãn mác logo cũng theo đó mà thiết kế nằm ngang theo và ghi rõ tên từng dòng rất dễ phân biệt. Một điểm khác biệt nữa có thể dễ dàng nhận biết là NS-10M STUDIO không có tấm chắn loa e-căng, vì thế mặt trước cũng không có lỗ để ốp e-căng như các dòng trước đây. Đây là chi tiết quan trọng, có lẽ do làm chuyên cho phòng thu, ở môi trường sạch sẽ nê họ không làm e-căng chăng? Và ý đồ xoay ngang có thể sẽ làm cho âm thanh dễ nghe trên bàn kỹ thuật khi mix. Hai loa trầm được để vào phía trong, hai loa tép được đưa ra hai bên phía ngoài có thể sẽ làm bớt độ chói, khắc phục hạn chế của dòng loa 10M trước đó. Mạch phân tần (crossover) đã được điều chỉnh lại dải tần để cung cấp nhiều tải hơn cho củ loa trung trầm.

YAMAHA NS-10M STUDIO

Thông số:

  • Năm sản xuất: 1987
  • Loa Bass: 18cm woofer JA1801.
  • Loa tép: JA0518A 3.5mm lụa mềm (dom)
  • Phân tần: 2Khz (12dB/octave)
  • Tần số đáp ứng: 60Hz đến 20Khz
  • Trở kháng: 8 Ohm
  • Công suất vào tối thiểu: 60W
  • Công suất đầu vào cực đại: 120W
  • Độ nhạy: 90 dB (1W, 1m on axis.
  • Kích thước: 382mm(H) x 215mm(W) x 198mm(D)
  • Trọng lượng: 6.3 Kg
  • Thùng loa: Màu đen, 10.4 liter, sealed.
  • Vị trí đặt loa: Nằm ngang.

4. YAMAHA NS-10MC 

Đây là phiên bản ra đời cũng vào năm 1987 với cái tên có thêm chữ C (có thể là commercial hay Consumer, có nghĩa cho mục đích thương mại hay cho tiêu dùng thông thường).

YAMAHA NS-10MC

Về hình thức, nó giống như dòng STUDIO ngoại trừ việc nó được thiết kế để treo hoặc gắn lên giá hoặc lên tường. Vì thế mà nó được đục thêm lỗ sẵn trên thùng loa để cho mục đích này. Ngoài ra, nó cũng được thiết kế nằm ngang như dòng STUDIO và nhãn tên cũng được xoay ngang.

Tuy nhiên, điểm khác biệt với STUDIO nữa là nó có tuỳ chọn nắp có thể tháo rời. Khi lắp có thể sử dụng chân cũng của Yamaha thiết kế riêng (Yamaha BWS50-260)

Yamaha cũng sản xuất loa siêu trầm YST-SW100 và sau đó đã phát triển dòng loa NS-10MT, có âm trầm xuống tới 45Hz. Tuy nhiên, nhiều người coi việc đặc trưng thiếu âm trầm của các dòng 10M trước đây chính là điểm mà mang lại lợi ích khi nó dễ trung chuyển đến nhiều hệ thống khác nhau và âm thanh sạch sẽ, rõ ràng hơn.

YAMAHA NS-10MC-1

Thông số:

  • Năm sản xuất: 1987
  • Loa Bass: 18cm woofer JA1801A.
  • Loa tép: JA0518A 3.5mm lụa mềm (dom)
  • Phân tần: 2Khz (12dB/octave)
  • Tần số đáp ứng: 60Hz đến 20Khz
  • Trở kháng: 8 Ohm
  • Công suất vào tối thiểu: 60W
  • Công suất đầu vào cực đại: 120W
  • Độ nhạy: 90 dB (1W, 1m on axis.
  • Kích thước: 381.5mm(H) x 215mm(W) x 200mm(D)
  • Trọng lượng: 6.5 Kg
  • Thùng loa: Màu đen, 10.4 liter, acoustic suspension.
  • Vị trí đặt loa: Nằm ngang. Treo giá hoặc treo tường.

5. YAMAHA NS-10MX

Năm 1993, một lần nữa Yamaha cải tiến dòng loa 10M này. Dòng loa X và T được cải tiến với tính năng bảo vệ từ tính (magnetically shielded). Điều này loại bỏ tiếng ồn khi kết nối với các thiết bị điện khác ở gần và cũng làm tăng trọng lượng loa lên 1kg mỗi loa. Thông số kỹ thuật tương tự như các dòng loa năm 1987 (NS10M PRO, STUDIOMC), nhưng các bộ phận linh kiện mới mẻ hơn.

NS-10MX được thiết kế dựng đứng theo chiều dọc và có tùy chọn nắp e-căng trước có thể tháo rời được. Do đó, nhìn vẻ ngoài tương tự như NS-10M và NS-10M PRO. Tuy nhiên, ta cũng có thể dễ dàng phân biệt bằng mắt thường với loa tép không có màng thép bảo vệ nữa. Loa tép lúc này nằm thấp ngang với thùng loa. NS-10MX được các kỹ sư thu thanh tại Nhật Bản coi là đỉnh cao của dòng Yamaha NS10. Tuy nhiên, giá nó đắt và khó mua hơn ở ngoài Nhật Bản, vì vậy nó không được nổi tiếng như các mẫu trước đó.

YAMAHA NS-10MX

Thông số:

  • Năm sản xuất: 1993
  • Loa Bass: 18cm woofer.
  • Loa tép: 3.5mm lụa mềm (dom)
  • Phân tần: 2Khz (12dB/octave)
  • Tần số đáp ứng: 60Hz đến 20Khz
  • Trở kháng: 8 Ohm
  • Công suất vào tối thiểu: 60W
  • Công suất đầu vào cực đại: 120W
  • Độ nhạy: 90 dB/W/m
  • Kích thước: 382mm(H) x 215mm(W) x 199mm(D)
  • Trọng lượng: 7 Kg
  • Thùng loa: Magnetic Shielding type (EIAJ)
  • Vị trí đặt loa: Nằm dọc, đứng dạng bookshelf.

6. YAMAHA NS-10MT

Dòng loa NS-10MT được ra đời năm 1995. Đây là dòng cuối cùng của hệ NS-10  và khác biệt hoàn toàn về thiết kế. Tuy nhiên, vẫn đặc trưng là màng loa giấy cuộn hình nón rất đặc trưng. 

YAMAHA NS-10MT

Thùng loa lớn hơn một chút và có thể lắp được trên giá, hoặc treo tường. Loa này không ghi rõ tên ở nhãn phía trước như các dòng khác mà chỉ có ghi Yamaha ở dưới cùng, chính giữa. Ngoài ra, các đầu để cắm nắp e-căng phía trước nhô ra ngoài, thay vì lõm vào trong. Đây cũng là loa NS-10M duy nhất được bán riêng lẻtheo từng cái và do đó không có các cặp phù hợp từng seri như đời trước.

Củ loa cũng được trang bị bảo vệ từ tính (như NS-10MX). Loa  hệ thống phản xạ âm trầm, tín hiệu đầu vào tối đa tăng lên 180W, cao hơn nhiều so với các phiên bản trước. Cổng phản xạ âm trầm là một lỗ ở phía trước, làm cho âm thanh từ phía sau của loa trung trầm thoát ra khỏi hộp về phía trước. Tất cả các phiên bản NS-10M trước đó đều được đóng kính thùng loa mà không có lỗ này. Các cổng phản xạ âm trầm đôi khi có thể làm giảm hiệu suất của loa vì không khí thoát ra khỏi hộp thay vì dội lại và nhanh chóng đẩy loa trầm trở lại vị trí cũ. Tuy nhiên, với chiếc côn giấy có trọng lượng cực nhẹ của NS10, thì hãng cho rằng không phải là vấn đề lớn. Phản xạ âm trầm kiểu này đã mở rộng dải tần số của NS-10MT xuốngđến 43Hz.

Sự mở rộng âm trầm và lỗ phản xạ âm trầm phía trước, trên NS-10MT, làm cho tadễ kê loa, treo loa ở nhiều vị trí khác nhau. Trong khi các phiên bản trước được thường được  ở vị trí gần tường, trên bàn làm việc dạng bookshelf, thì NS-10MT có thể được kê tự do hơn. Điều này làm cho nó phù hợp cho mục đích xem phim trong các rạp hát gia đình, cũng như các phòng thu không có loa siêu trầm hoặc loa kiểm tra tầm xa. Vì vậy chữ T trong tên loa mang ý nghĩa là Theater vì lý do này.

Thông số:

  • Năm sản xuất: 1995
  • Loa Bass: 18cm woofer.
  • Loa tép: 3mm lụa mềm (dom)
  • Phân tần: 2Khz (12dB/octave)
  • Tần số đáp ứng: 43Hz đến 30Khz
  • Trở kháng: 6 Ohm
  • Công suất vào tối thiểu: 60W
  • Công suất đầu vào cực đại: 180W
  • Độ nhạy: 90 dB/W/m
  • Kích thước: 382mm(H) x 215mm(W) x 255mm(D)
  • Trọng lượng: 9 Kg
  • Thùng loa: Magnetic Shielding type (EIAJ), Bass reflec system.
  • Vị trí đặt loa: Nằm dọc, đứng dạng bookshelf.

Trên đây là những kiến thức Top 6 dòng loa Yamaha NS-10M huyền thoại được phòng thu âm Sonar Studio sưu tầm. Nếu bạn có thêm những kiến thức bổ sung hoặc cần trao đổi về chủ đề trên hãy liên hệ đến với Sonar nhé !

 

Nguồn : Intetner