Những nguyên tắc để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp



Một người hoạt động về lĩnh vực nghệ thuật nếu muốn phát triển hơn nữa và có chỗ đứng riêng thì phải biết xây dựng cho mình những kiến thức và kinh nghiệm thật tốt. Sau đây phòng thu âm Sonar Studio gửi đến bạn đọc những kiến thức mà phòng thu đã sưu tầm về chủ đề những nguyên tắc để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.

nghe-si-chuyen-nghiep

Những nguyên tắc để trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp

1. Đầu tiên phải kể đến kỹ năng chuyên môn

Là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, bạn tất nhiên cần giỏi về chuyên môn. Dù là nghệ sĩ guitar, piano hay ca sĩ, bạn đều cần phải đạt đến mức giỏi để có được vị trí của mình trong nền nghệ thuật tại Việt Nam. Để phát triển kỹ năng chuyên môn, bạn cần xây dựng một lịch tập luyện và kiên trì theo đuổi nó trong nhiều năm. Bạn có thể tự tập luyện, nghiên cứu qua sách vở, video… để có thể phát triển năng lực chuyên môn của mình. Bạn cần mất nhiều năm trời để học tập và phát triển chuyên môn đến một mức độ tạm gọi là “Kiểm soát tốt” khả năng chuyên môn của mình và tiếp tục duy trì nó đến suốt sự nghiệp âm nhạc của bạn.

2. Am hiểu nhiều lĩnh vực

Ngoài việc am hiểu chuyên môn, bạn cũng cần hiểu biết thêm nhiều thứ khác như cách hát trong phòng thu âm như thế nào, cần chuẩn bị gì khi làm việc với đối tác thực hiện MV về một tác phẩm mới của mình… Việc am hiểu không chỉ thể hiện bạn là người tài năng mà còn giữa bạn trở nên chuyên nghiệp hơn trong mắt ngươi đối diện. Hãy thử tưởng tượng đối tác sẽ cảm nhận về bạn như thế nào khi phải giải thích một vấn đề đơn giản trong nền âm nhạc (có thể nằm ngoài chuyên môn của bạn) đến vài lần mà bạn vẫn chưa hiểu ?

3. Đúng giờ

Cái này thi khỏi phải giải thích nhiều nhỉ. Thật ra chúng ta cũng có thể thông cảm cho nhau vì ở thành phố đông đúc như Sài Gòn thì chuyện kẹt xe xảy ra hằng ngày. Tuy nhiên, khách hàng thì thường không quan tâm lắm đến điều đó, và họ đã trả thù lao cho bạn để bạn có mặt đúng giờ cho họ. Vì vậy, bạn không thể đưa bất kì ly do nào để họ thông cảm.

Không chỉ đối với những khách hàng trả tiền cho bạn, bạn cũng phải đúng giờ với cả những người cùng làm việc với bạn như stylist, nhạc sĩ thu âm, ban nhạc… Điều đó thể hiện giá trị con người bạn và quan trọng hơn hết là sự tôn trọng đối với thời gian của người khác.

4. Nhất quán

Một số nghệ sĩ, sau một đêm thành “sao” thường chưa có các kỹ năng thương lượng và đàm phán nên thiếu sự nhất quán. Kiểu như khi sáng gọi điện báo cát xê 20 triệu chưa bao gồm ăn ở, đi lại. Trưa trưa khách hàng gọi lại báo “OK”, lại báo thêm “Em quên tính chi phí dẫn theo quản lý, trợ lý, make up…. hoặc “Bên chị lo thêm chi phí….”

Thật ra những yêu cầu này hoàn toàn không sai, nhưng nó cần có sự nhất quán ngay từ đầu, hoặc bạn lập sẵn ra cả một cái danh sách các hạng mục để chọn và gửi email cho khách hàng khi họ liên hệ, để đỡ phải dè chừng nhau khi báo giá. Khách hàng sẽ mất niềm tin và cảm thấy không an toàn với các bạn khi mỗi lúc gọi các bạn lại nhận được một mức giá khác nhau. Điều đó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp mà bạn cần tránh.

nghe-si-chuyen-nghiep 1

5. Mức thù lao đúng với năng lực

Hãy nhớ, khách hàng không ngốc, họ để bạn báo giá vì họ tôn trọng và muốn hợp tác với bạn nên đừng đưa ra một cái giá “Trên trời” để rồi mất luôn hợp đồng đó và đôi khi cả mối quan hệ nữa. Tôi từng nhận được một báo giá của một ban nhạc tôi thậm chí không biết tên, không có portfolio, vài tấm ảnh rất nghiệp dư, một video trình diễn live rất bình thường mà mức giá như nghệ sĩ chuyên nghiệp. Tôi không dám chê nhưng thật sự rất khó để lựa chọn ban nhạc đó với mức giá như thế và tôi tin khách hàng hay các bên đối tác trung gian cũng như thế.

6. Tác phong

Tác phong là điều rất quan trọng với một nghệ sĩ chuyên nghiệp, bạn cần biết lúc nào nên nghiêm túc, lúc nào có thể đùa cợt, khi chạy sân khấu hay tổng dợt chương trình, một số nghệ sĩ vẫn đùa cợt, xem FB, nhắn tin, quên lời, quên vũ đạo,… những việc này có thể chẳng là gì nếu bạn chợt tính được con số không nhỏ mà ban tổ chức bỏ ra trong suốt một buổi tổng dợt gồm phí thuê địa điểm, âm thanh, ánh sáng, nhân lực… và chi phí sẽ phát sinh khi mỗi nghệ sĩ cứ kéo dài chương trình ra một chút và khiến những người đang tham gia cùng dự án rất mệt mỏi dù đôi khi họ không nói hoặc ngại nói vì sợ “phật lòng”.

Tác phong thể hiện ở nhiều không gian và với nhiều đối tượng khác nhau, bạn cần để ý, học hỏi các nghệ sĩ chuyên nghiệp khác từ tác phong trên sân khấu phòng trà với các khán giả trung niên đến sân khấu sinh viên rực lửa hoặc hát cho các chương trình toàn teen…

Tác phong liên quan đến cả những khi trình diễn, hội họp, gặp gỡ, giao lưu và cả đời sống hằng ngày. Có tác phong tốt, bạn sẽ chuyên nghiệp hơn.

7. Thân thiện

Đừng quên nở một nụ cười với những người “không quan trọng”. Bạn cười với khán giả, người hâm mộ, trước ống kính, trên sân khấu…nhưng khi vừa bước sang cánh gà là mặt tĩnh lặng lạnh lùng với những người là kĩ thuật viên ánh sáng, âm thanh, ban nhạc…. Đó là những biểu hiện cực kì kém cỏi không chỉ với một nghệ sĩ và cả với một người bình thường. Sự thân thiện của bạn sẽ mở ra những chân trời cơ hội mới. Những người thành đạt, doanh nhân, nhà đầu tư là những người bỏ tiền ra mời bạn, người hâm mộ cũng bỏ tiền ra mua vé xem bạn diễn, họ sẽ không thích một ca sĩ chảnh chẹ, “bitches” và thể hiện sự nổi tiếng, ngôi sao trước mặt họ.

Đừng cho rằng bạn nổi tiếng nên phải lạnh lùng và khó tính. Sự nổi tiếng của bạn không còn giá trị nếu cách thể hiện bản thân thiếu thiện chí. Người càng thành công thường càng thân thiện.

8. Có hồ sơ năng lực (portfolio)

Bạn cần có một hồ sơ năng lực, nơi chứa tất cả các thông tin của bạn, từ nghệ danh, MV, ca khúc, kinh nghiệm, hình ảnh… để đối tác có thể biết bạn có năng lực như thế nào để còn chọn các bạn cho các chương trình của họ. Trừ khi bạn đã nổi tiếng, còn không, bạn hãy dành thời gian xây dựng portfolio thật đẹp cho mình nhé. Nếu đã nổi tiếng một chút, thứ bạn cần lúc này đơn giản chỉ là một email với một thư viện hình thật đẹp và chất lượng cao để gửi cho các đối tác thực hiện các mẫu thiết kế cho chương trình của họ và các nhà báo, các đối tác truyền thông

9. Biết cách xử lý sự cố sân khấu

Một số nghệ sĩ trẻ mới nổi, bước lên sân khấu, hát được vài câu thấy âm thanh nhỏ quá, nói thẳng vào micro “âm thanh cho lớn lên xíu đê”. Nghe cứ như tiếng rao chợ cá. Đó là cách xử lý thiếu tế nhị, bạn chỉ cần thêm vài chữ thì câu nói đã mang cảm xúc khác và đầy tôn trọng: “xin âm thanh cho lớn lên một chút để không gian được sôi động hơn nhé”.

Có lần bạn ca sĩ đang hát, nhạc công đánh nhầm hợp âm, ca sĩ quay sang mặt cau có, hát xong cũng không quên nói với khán giả: “ hôm nay ban nhạc hơi quên bài nên có vài chỗ sai, hy vọng lần sau ban nhạc sẽ chơi tốt hơn để gửi đến khán giả phần trình diễn tuyệt vời hơn. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn ”. Câu đó nói xong là mặt các anh em ban nhạc tối sầm lại, xử lý sự cố thế là mất thiện cảm với ban nhạc, khán giả cũng chẳng tôn trọng bạn hơn. Những lúc như thế bạn cứ thoải mái, đánh lạc hướng người nghe bằng lời giới thiệu một ca khúc mới hoặc một câu chuyện vui, mọi người sẽ nhanh chóng quên đi, trước khi xuống sân khấu nên tươi cười một cái thân thiện và kèm theo lời cảm ơn. Bạn chẳng mất gì nhiều nhưng cái quan trọng đằng sau đó là bạn được anh em ban nhạc tôn trọng hơn bởi cách xử lý khéo léo và khán giả “văn minh” tôn trọng bởi sự tinh tế của bạn.

Xử lý sự cố sân khấu không đơn giản, nếu bạn chưa có cơ hội lên sân khấu, hãy dành thời gian xem trình diễn thực tế, nếu khó khăn về chi phí thì tự ở nhà xem qua các video rồi tự rút kinh nghiệm hoặc vẽ ra các tình huống có thể xảy ra và thực tập xử lý trước gương. Sau một thời gian trải nghiệm, bạn chắc chắn sẽ phát triển được khả năng xử lý tình huống và sự cố sân khấu tốt hơn rất nhiều.

Trên đây là những kiến thức sưu tầm của phòng thu âm để bạn có thể bổ sung thêm hành trang cho mình trên con đường hoạt động nghệ thuật phía trước. Ngoài những nguyên tắc trên, bạn có thể tìm hiểu và đúc kết thêm cho mình những nguyên tắc khác và chia sẻ với chúng tôi nhé.

Nguồn : AdamMuzic